Hiện thực hóa mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở
|
Khu đô thị Nam Trung Yên, Hà Nội được hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân thủ đô. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Những trăn trở để đạt mục tiêu mọi người dân trong xã hội đều có chỗ ở sẽ sớm thành hiện thực khi thị trường nhà ở hàng hóa và phi hàng hóa được phân định rõ ràng.
Quyền có chỗ ở
Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cả người dân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định. Bởi vậy, muốn đảm bảo các mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở với tầm nhìn dài hạn vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ thì cần phải phân định rõ thị trường nhà ở hàng hóa và phi hàng hóa để hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể, nhằm sớm hiện thực hóa mong ước mọi người dân đều có chỗ ở.
Suốt một thời gian dài, nhiều dự án phát triển nhà ở được triển khai nhưng chưa xuất phát từ quy hoạch cũng như nhu cầu của người dân. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở... Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch cán cân cung-cầu và khiến việc phát triển các loại hình nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều tầng lớp dân cư.
Bên cạnh đó, biến động mạnh của thị trường cũng gây ảnh hưởng xấu, hạn chế việc tạo lập chỗ ở của người dân. Điển hình là giá nhà tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của một bộ phận lớn dân cư khiến sức ép về nhà ở ngày càng tăng, nhất là tại khu vực đô thị. Nhóm đối tượng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp lại càng khó khăn hơn khi muốn tạo lập nhà ở cho bản thân và gia đình. Hiện tượng đầu cơ, làm giá, mua đi bán lại nhà ở để kiếm lời diễn ra tương đối phổ biến và đã từng gây ra "sốt ảo" khiến làm thị trường đã yếu lại càng phát triển thiếu bền vững.
Phần lớn nguồn cung về nhà ở trong thời gian vừa qua chủ yếu do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng. Hiện chỉ có một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thực hiện phát triển nhà ở theo dự án. Hình thức chia lô, bán nền để người dân tự xây dựng nhà ở dẫn đến tình trạng xây dựng sai quy hoạch dọc các trục đường giao thông, tuyến đê, kênh rạch... phổ biến tại nhiều nơi. Nhiều dự án mô nhỏ lẻ chưa bảo đảm kết nối đồng bộ trong cùng khu vực.
Bộ Xây dựng nhận định, kế hoạch phát triển nhà ở hiện vẫn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư trong khi Nhà nước chưa chủ động để can thiệp, điều tiết việc cân đối cung-cầu của thị trường nên nhà ở phi hàng hóa đặc biệt thiếu.
Bên cạnh đó, quỹ đất sạch để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo cũng hạn hẹp, gây khó khăn khi giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị, ảnh hưởng tới mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện thực hóa mục tiêu
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước cần tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả; đồng thời, rất cần chính sách hỗ trợ đặc biệt để phát triển nhà ở phi hàng hóa (trong đó chủ yếu do Nhà nước can thiệp), nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho nhóm đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
Trên thực tế, loại hình nhà ở hàng hóa sẽ tự điều chỉnh giá theo xu hướng do thị trường quyết định. Tuy nhiên, kể cả loại hình nhà ở này vẫn phải có vai trò điều tiết của Nhà nước về sở hữu đất ở, quy hoạch... Còn loại hình nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) dành để bán, cho thuê, thuê mua sẽ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo, không có điều kiện mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Phát triển được loại hình nhà ở phi hàng hóa là con đường gần nhất để đi đến mục tiêu mọi người dân đều có quyền có chỗ ở.
Dù không đặt ra các tiêu trí cao như nhà ở hàng hóa (thương mại) nhưng phải loại bỏ ngay tư tưởng nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) là “cho nhiều hơn mua” nên không chú trọng đến chất lượng. Nếu để dự án kém chất lượng, xây dựng một thời gian là xuống cấp, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị và đời sống của người dân thì phải xem xét lại chủ đầu tư.
Vì vậy, ngoài việc xây dựng hạ tầng xã hội phù hợp với khả năng thanh toán của người dân thì những khu nhà ở này phải góp phần tăng diện mạo đô thị, cảnh quan kiến trúc, môi trường. Quan trọng hơn cả, những căn nhà này phải thực sự đem lại hạnh phúc cho người đến ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.
Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ tám nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, gồm người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân lao động; học sinh-sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).
Cụ thể hóa nhóm đối tượng này sẽ giúp cho việc xây dựng phương thức phát triển quỹ nhà ở phi hàng hóa có quy mô, hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, chỉ tiêu phát triển quỹ nhà này cần được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương - là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Phân định rõ trách nhiệm
Thêm 100 triệu m2 nhà ở mỗi năm là mục tiêu được Bộ Xây dựng đề xuất tại dự thảo "Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020" nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng về chỗ ở và điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Trong số này phải dành tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn tại các dự án phát triển nhà ở đô thị phục vụ đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo.
Đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu đưa diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người và đạt mốc 25m2 sàn/người vào năm 2020.
Theo Bộ Xây dựng, trong "chiến lược hành động" để đạt mục tiêu này cần phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia quá trình phát triển nhà ở.
Trong giai đoạn tới, việc tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, nhà ở cho thuê đặc biệt được chú trọng theo hướng vừa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đồng thời Nhà nước chủ động đầu tư phát triển quỹ nhà ở để cho thuê. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức, tập quán sở hữu nhà ở chuyển sang thuê nhà ở; thay đổi thói quen sống ở nhà riêng lẻ sang hình thức sử dụng căn hộ chung cư.
Dự kiến, năm 2015, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại các đô thị loại đặc biệt đạt trên 80% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới. Tỷ lệ này ở các đô thị từ loại I đến loại II yêu cầu hơn 50% và trên 30% với đô thị loại III. Tỷ lệ nhà ở cho thuê cũng phải đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên. Đến năm 2015, tại khu vực đô thị phấn đấu xây dựng mới tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội và năm 2020 tăng lên 12,5 triệu m2 để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng đề nghị tập trung vào một số giải pháp như phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai; đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quy hoạch phục vụ công tác phát triển nhà ở; nghiên cứu hoàn thiện mô hình tài chính-tín dụng để mở rộng nguồn vốn vay; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho vay thế chấp đối với lĩnh vực phát triển nhà ở; sớm hoàn thiện mô hình hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở và thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở.
Thu Hằng (Vietnam+)